11. Chuyến Đò Tri Thức
Tôi về thăm mái trường xưa
Bao nhiêu kỷ niệm như vừa mới đây
Pha sương mái tóc cô thầy
Bảng đen phấn trắng còn đây căn phòng
Con đò neo đậu bến sông
Đưa đàn em nhỏ ấm nồng yêu thương
Bằng lăng tím rụng cuối đường
Phượng buồn nỗi nhớ vấn vương níu hè
Ríu ran chim hót cành me
Cánh diều mơ ước ta về tuổi thơ
Bên trang giáo án từng giờ
Lặng thầm thầy vẫn đưa đò qua sông
Ngoài sân vương sợi nắng hồng
Chuyến đò tri thức mênh mông tình thầy.
Bằng Lăng Tím
12. Huyền Thoại Người Lái Đò
Sáu mươi năm tuổi đời
Thầy về hưu với những giấc mơ bạc trắng
Con đò ngang rệu rã
Cùng bao lớp học trò đã lũ lượt qua sông
Có những ánh mắt thân thương
Cũng có những giọng cười bất nghĩa
Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ.
Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!
Nhưng lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Lấp ló quanh trường
Hết bão đen rồi lại nước mắt
Lũ sát thủ tuổi teen
Những băng cướp áo trắng
Clip sex học trò
Bạo lực học đường...
Ngày ngày vây quanh
Ngày ngày gầm gừ
Ngày ngày rình rập
Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Người Lớn nói "có":
- Dù có tiêu cực
Dù có ném "phao"
Dù có nâng điểm
Nhưng kết quả thi vẫn thành công tốt đẹp!
(nói "có" có nghĩa là "không"?)
Người Lớn nói "không":
- Hãy nói không với bệnh thành tích
Hãy nói không với gian lận thi cử
Nhưng thi tốt nghiệp vẫn không được rớt nhiều!
(nói "không" cũng là "có"?)
Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?
Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang ra khơi vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc...
2012
(Trang web văn học Hội Nhà Văn tp.HCM ngày 20.11.2012)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Bình thơ: Cái Chết Của Người Lái Đò Là Điều Tất Yếu...
Về hưu, đáng lẽ sẽ là những tháng ngày thanh thản nhất của người thầy giáo già trong bài thơ. Nhưng không, ông về hưu mà lòng vẫn nặng trĩu vì những bất cập về chỉ tiêu, những tiêu cực cũ và mới về thi cử, những cái phi lý trái khoáy khi đánh giá về đạo đức và học tập của học trò, vẫn còn tồn tại trong ngành giáo dục. Một bi kịch, một nỗi đau đáu mà hầu hết những nhà giáo có tâm huyết với nghề vẫn phải thường mang theo trong những tháng năm dài đứng trên bục giảng.
Tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn đã tỏ ra rất khéo léo khi dẫn dắt người đọc vào "nút thắt" của bài thơ bằng những câu thơ ở cuối khổ một:
"Dòng sông chữ bây giờ không còn hiền hòa
Cứ chập chờn sóng dữ"
báo hiệu sẽ có những đợt sóng ngầm dữ dội đang sắp đến.
Truyền lửa cho học trò để học trò có lửa mà học tập là mơ ước của tất cả những người giáo viên chân chính. Nhưng lấy lửa ở đâu mới là điều quan trọng. Trong bài thơ các quan chức giáo dục cũng tỏ ra rất quan tâm đến điều này:
"Các quan chức giáo dục đứng trên gò cao
Thét gào
Hô hào
Hò hét
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng tiết học!
Hãy truyền lửa cho học sinh
Truyền trong từng bài giảng!"
Nhưng tiếc thay họ lại quá quan liêu khi chỉ biết đứng "trên gò cao", chỉ biết "thét gào, hò hét" ra lệnh suông mà thôi! Họ bảo các nhà giáo hãy truyền lửa cho học trò, nhưng bản thân họ cũng đâu có lửa để đưa cho các nhà giáo! Bi hài chính là ở chỗ đó! Thử hỏi các nhà giáo lấy lửa ở đâu ra, khi người giáo viên đồng lương còn quá thấp, ngoài việc dạy học còn phải lo toan trăm điều, trăm việc cho công cuộc mưu sinh? Lấy lửa ở đâu ra khi chương trình giảng dạy còn quá nặng nề, toàn là áp đặt và "nhồi sọ" học sinh? Đúng là lực bất tòng tâm!
Chưa hết những cơn "bão đen" như: những sát thủ tuổi teen, những băng cướp giật áo trắng, những clip sex học trò, những bạo lực học đường... luôn luôn diễn ra trên mọi thông tin hàng ngày của các loại báo viết, báo mạng, đài truyền thanh và đài truyền hình. Giáo dục đang xuống cấp trầm trọng, học đường đang bị cái xấu tấn công toàn diện, tấn công mọi lúc mọi nơi. Những câu thơ của tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn đã làm cho chúng ta phải cảm động đến rơi nước mắt, đã làm cho chúng ta phải đồng cảm vì sự lo lắng ưu tư đáng lẽ ra không phải có ở một Người Lái Đò tuổi đã về hưu:
"Thầy từng đêm vò đầu thức trắng
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?"
Bài thơ cứ như một cuốn phim phóng sự, cứ đưa lên màn hình hết thước phim thời sự này lại đến thước phim thời sự khác. Ở khổ thơ thứ tư, tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn lại tỏ ra rất thành công khi đưa ra một câu chuyện hoàn toàn có thật đã từng xảy ra ở trường Đồi Ngô tỉnh Bắc Giang. Câu chuyện đau lòng là chỉ vì "căn bệnh thành tích" muốn đạt được tốt nghiệp 100% mà nhiều cán bộ coi thi đã cung cấp "phao" cho thí sinh! Thật không thể hiểu nổi và cũng thật không thể nào tin nổi: Những người giữ đền lại là những kẻ đốt đền! Các câu thơ lúc thì lạnh lùng như vết dao cứa, lúc thì lại nhẹ nhàng giễu cợt khiến người đọc vừa đau đớn xót xa, vừa buồn cười cho những cái trò dối trá đầy bi hài:
"Các bài giảng đạo đức bỗng rụt đầu xấu hổ
Các con số đậu 100% cứ lăn lộn mãi vì cười
Học trò nhìn nhau ngơ ngác
Lửa ở đâu?
Lửa ở đâu?"
Đoạn cuối bài thơ cũng là đỉnh cao nhất của bài thơ, cũng là lúc gỡ nút cho bài thơ. Người Lái Đò về hưu tuy sức tàn lực kiệt, tuy "con đò ngang đã rệu rã" vì thời gian, nhưng vẫn quyết tâm ra đi vượt biển tìm lửa! Ông không tìm lửa riêng cho bản thân mình mà là đi tìm lửa cho những lứa học sinh tương lai, những lứa học sinh mà sau này không phải là học trò ông trực tiếp giảng dạy. Người Lái Đò cao thượng, trong sáng bỗng trở thành vị thần Prométhée đi tìm lửa ở thế kỷ 21, là một hiệp sĩ Don Quixote trong thời đại giáo dục hiện nay. Và thật bi hùng, Người Lái Đò đã quyết chí lên đường và trở thành huyền thoại:
"Học trò về thăm bến sông xưa
Con đò ngang vắng bóng...
Có em nói thầy đã đi tìm lửa phương xa
Có em đoán thuyền thầy đang ra khơi vượt biển lớn
Có em vớt được những mảnh vỡ của thuyền
Khóc..."
Cái chết của Người Lái Đò là điều tất yếu, là điều vô cùng hợp lý vì "một con đò ngang rệu rã" không thể nào vượt qua biển lớn được. Nhưng cũng chính nhờ sự hy sinh đó của ông lại thắp sáng lên một "ngọn lửa lương tri" khác khiến cho những ai còn quan tâm đến ngành giáo dục phải cúi đầu suy nghĩ!
"Huyền thoại người lái đò" là một bài thơ hay hiện thực nói chung và cũng là một bài thơ hay nói về nghề giáo nói riêng. Bài thơ là một hồi chuông báo động gióng lên cho mọi người hiểu và đồng cảm về những khó khăn còn tồn tại trong ngành giáo dục. Hình tượng bi tráng của Người Lái Đò trong bài thơ đã làm người đọc phải trăn trở, phải xúc động, giúp cho mọi người hiểu tường tận thêm những "tâm sự khó nói" của những người đang đứng trên bục giảng hiện nay.
Thành công của bài thơ có lẽ cũng còn phải kể đến một yếu tố quan trọng khác: tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng là một nhà giáo thật ở ngoài đời!
(Trang web văn học Đất Đứng ngày 23.12.2012)
Huỳnh Ngọc
13. Em Mãi Khắc Ghi
Thời gian dù mãi dần trôi
Con thuyền tri thức suốt đời thầy mang
Lật từng cuốn vở sang trang
Đong đầy ký ức muôn vàn niềm yêu
Nhớ thầy cô những sớm chiều
Tận tâm chỉ dạy những điều sáng soi
Cho em vững bước vào đời
Tương lai trí tuệ rạng ngời mai sau
Tóc thầy giờ đã bạc màu
Đêm ngày thầy vẫn chăm bầy em thơ
Mong đàn em dựng cơ đồ
Nước non Đất Việt trong mơ trường tồn
Nay giờ em đã lớn khôn
Chúc thầy cô mãi giữ hồn non sông
Việt Nam sáng mãi trời hồng
Chúng em ghi nhớ khắc công ơn thầy.
Trần Văn Nghệ
14. Công Ơn Thầy Cô
Kinh mài, chữ giũa, mực nghiên
Dạy trò con chữ đẹp duyên học đường
Mỗi ngày cắp sách đến trường
Ươm mầm tri thức làm gương bao người
Lúc thầy mới tuổi ba mươi
Hay thương giúp trẻ, hay cười vị tha
Không màn nhung gấm lụa là
Chỉ chăm con chữ để đà dạy răn
Mong trò học giỏi siêng năng
Khơi nguồn trí tuệ, tài năng cho đời
Giáo viên nét đẹp rạng ngời
Biết bao thế hệ muôn đời tôn vinh
Ơn cô nghĩa thắm đậm tình
Tỏa vầng giáo hạnh cho mình ước mơ
Nhân ngày Nhà giáo làm thơ
Chúc cho hết thảy thầy cô yêu nghề!
Trương Văn Thi
15. Về Trường Cũ Thăm Thầy
Con về trường cũ chiều nay
Thầm mong được gặp lại thầy, thầy ơi!
Đưa con qua tới bến đời
Đò xưa thầy vẫn không rời sớm trưa
Thầy ơi nói mấy cho vừa
Ơn thầy dạy dỗ, con chưa đáp đền
Biển đời ghềnh thác, chông chênh
Đôi khi con sợ mình quên lối về
Thầy giờ lận đận chốn quê
Lo toan cuộc sống bộn bề có hay
Con về trường cũ chiều nay
Thầm mong được gặp lại thầy, thầy ơi!
Đỗ Quang Vinh
16. Lời Tri Ân
Người thầy áo bạc sờn vai
Vẫn đưa thuyền đến tương lai vững vàng
Tình thầy con mãi nặng mang
Dù xa cách vẫn nồng nàn trong tim
Dù bao dâu bể nổi chìm
Thầy gò vai gánh chữ thêm cho đời
Đêm trường giấc ngủ chơi vơi
Ngày xiêu bóng nắng bời bời gió bay
Trường xưa in đậm dấu giày
Cỏ ơi nâng nhẹ thân gầy thầy tôi
Từng trò từng lớp xa xôi
Rừng hoang loang tím dáng ngôi trường nghèo
Đôi dòng ngăn cách trông theo
Còn đây chút phận bọt bèo nổi trôi
Chiều rơi nắng đã tắt rồi
Bên dòng suối ngọt bồi hồi nhớ nhung.
Thái Yên Sa
17. Nhớ Ơn Thầy Cô
Bao năm học dưới mái trường
Thầy cô tiếp bước con đường tương lai
Dù em có bướng có sai
Thầy cô vẫn bảo không ai tự tài
Quyết tâm rèn dũa miệt mài
Rồi sau mới sướng mới oai với đời
Sinh ra ai chẳng muốn cười
Nhưng ai cũng khóc chào đời đấy thôi
Học sinh thích phá thích chơi
Đó là quy luật muôn đời đã qua.
Nói thì nhất quỷ nhì ma
Nhưng ai chẳng sợ thứ ba học trò
Thầy cô trọn kiếp đưa đò
Dù mưa dù gió phận cò cũng đi
Mỗi khi sắp đến mùa thi
Tóc thầy thêm bạc mắt cô thêm ngần
Nào ai than khó khổ gần
Vì nghề nhà giáo phải cần hy sinh
Bao người giỏi tiếng thông minh
Rồi đâu có sướng bởi khinh chữ thầy
Một chữ chẳng thể đong đầy
Nhưng dù nửa chữ gọi thầy vẫn nên
Dưới thì phải kính bề trên
Nợ thì phải trả chớ nên vong tình
Học tài học trí Trạng Quỳnh
Vang danh sử sách bóng hình quê hương.
Lời thầy vẫn mãi thân thương
Tình cô vẫn mãi trên đường em đi
Lệ nhòa mắt đã tràn mi
Tiếc thời cắp sách qua đi vội vàng.
Hai mươi, mười một đương sang
Em vì sự nghiệp nên đang xứ người
Nhưng dù đến khắp mọi nơi
Ơn thầy cô mãi muôn đời không quên
Xin trời, thượng đế ơn trên
Cho thầy cô khỏe vui bên gia đình
Để mỗi buổi sáng bình minh
Thầy cô tiếp bước công trình tương lai
Hai từ "cao quý" chẳng sai
Bởi nghiệp nhà giáo không ai sánh bằng.
Sở Lưu Hương
18. Nhớ Công Ơn Thầy
Làm sao quên được ơn thầy
Công người dạy dỗ có ngày hôm nay
Nét đầu thầy phải cầm tay
Rèn con chữ viết mới ngay thẳng hàng
Nhớ thầy nhớ chiếc đò ngang
Tay thầy chèo chống đưa sang bao người
Nhọc nhằn gian khổ vẫn vui
Vì đàn em nhỏ vì đời mai sau
Từng đoàn nối tiếp kề nhau
Dựng xây đất nước sớm mau bằng người
Non sông hùng vĩ đẹp tươi
Có công thầy đã tô bồi ngày qua.
Nguyễn Văn Chiểu
19. Ơn Thầy
Trăm năm Đạo giữ ở đời
Tiên học chữ Lễ sau rồi chữ Văn
Ơn thầy khai sáng chữ Nhân
Công thầy vun đắp bao lần chữ Tâm
Dạy luôn chữ Hiếu tình thâm
Khắc ghi chữ Nghĩa theo năm tháng ngày
Chữ Đức thầy dạy đến nay
Cả luôn chữ Tín mai này lập danh
Chữ Trung thấm nghĩa sẽ thành
Có thêm chữ Chí xứng anh hùng rồi
Chữ Hướng làm vốn cuộc đời
Theo cùng năm tháng chữ Người đã lên
Lời thầy em vẫn không quên
Bao nhiêu chữ ấy mang bên suốt đời
Cho dù vật đổi sao rời
Ơn thầy khắc cốt những lời năm xưa.
Vũ Hồng Tâm
20. Nghĩ Về Ngày 20 Tháng 11
Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
"Tôn sư trọng đạo" trò nào dám quên
Thầy cô như cha mẹ hiền
Ươm mầm nhân cách con em nên người
Rưng rưng khóe mắt ai ơi
Thương thầy cô giáo những nơi bản làng
Nơi có con suối vắt ngang
Núi cao, rừng rậm ai màng viếng thăm
Nơi mà cuộc sống khó khăn
Miếng ăn chưa đủ "đi thăm" bằng gì
Thành phố quà bánh thiếu chi
Hoa tươi, quà tặng, phong bì đâu lo
Thôn quê khổ lũ học trò
Thương thầy cô lắm nhưng lo thế nào
Phụ huynh áy náy, nôn nao
Gia cảnh là vậy, quà nào được đây
Thầy cô trong những ngày này
Lại đi thăm hỏi đó đây từng nhà
Động viên, an ủi mẹ cha
Cho con đi học để mà lớn khôn
Nhà giáo - kỹ sư tâm hồn
Nhưng sao gian khó còn hơn làm ngoài
So bì có đúng, có sai
Thực tế là vậy mấy ai tỏ tường
Vài lời nhân lễ hiến chương
Tôn vinh Nhà giáo, chặng đường chông gai
Tri ân tất cả những ai
Ngày đêm nuôi dưỡng nhân tài mai sau
Dằn lòng xin nói thêm câu:
Biết bao nhà giáo vùng sâu đang nghèo
Xa quê, hoàn cảnh gieo neo
Ai ơi hãy nghĩ một điều, quan tâm!
Nguyễn Thành Công
--------------------------------------------------
Thơ nhà giáo hay nhất nhiều tác giả (2) (3) (4) (5) (6) (7)
Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet