11. CÂY GẠO TRANG THƠ
Ma ngọn gạo, thần ngọn đa
Tôi về nhặt cái cỏ hoa của làng
Ngói rêu một mái điếm đàng
Thân lì gai góc mà choàng mắt môi
Đường như đỏ máu hoa rơi
Mỏng manh chuông điểm vẹn lời trang kinh
Nhựa tràn từ cội chuyền cành
Tiếp cho muôn cánh mong manh sắc hồng
Trò chơi bén phận vợ chồng
Nên đôi bát đũa mâm đồng nồi vung...
Đỏ au một khoảng trời trong
Tháng ba sấm chớp mà lòng non tơ
Cỏ xanh đang dịp mở cờ
Mơ chân trời mới từng giờ khoe xanh
Gốc già chứng kiếp tử sinh
Đau từ gà mở bình minh thành làng
Quần ai khoanh bí ra đàng
Bao phen bí tỉ bẽ bàng tè te...
Làng giờ cạn cả ngọn tre
Gạo xưa đỏ thế nay về còn đâu!
Thôi thì biếc lá đỏ màu
Chuyện xưa cây gạo thuở nào thành quê
Chập chờn ngọn gió từ đê
Bóng xưa hoa đỏ tìm về trang thơ.
Dương Khắc Giao
12. NHỮNG BÔNG HOA
Những bông hoa những nụ cười...
Tròn long lanh giọt mồ hôi xếp đầy
Thở sương thở gió cánh lay
Theo người theo cả bàn tay gieo mùa...
Những bông hoa những cõi mưa...
Rơi vào biển đất còn chưa kịp vàng
Duyên hoa mọc ở trần gian
Kịp xòe cánh cũng kịp đang khép ngày...
Những bông hoa những lời say
Những bông hoa những lời bay vội vàng...
Đàm Quyên
13. SUỐI TÓC DẠ HƯƠNG
Xõa dài theo những nỗi đau
Từng sợi oan nghiệt buộc nhau đọa đày
Áo cơm thở dốc từng ngày
Chăm không xanh nổi một cây tình trầm
Xõa dài theo những ăn năn
Từng sợi buồn quấn căn phần đời nhau
Gió về đâu, mây về đâu
Một dòng suối tóc đen màu nhớ thương
Xõa dài theo những điệu buồn
Tụng ca suối tóc dạ hương quạnh tình.
Đỗ Phương Châu
14. NGƯỜI DƯNG
Vô tư là mấy con diều
Nhởn nhơ đợi gió cuối chiều lang thang
Người dưng, chẳng nợ đa mang
Nhẹ tênh, quên gánh dọc ngang tấm tình.
Tóc mai, thương núi một mình
Bâng khuâng vương vấn bóng hình mây trôi
Bao năm bến cũ bồi hồi
Khách xưa tìm lại sông vơi, nhớ đò…
Ngắt nhành, vẫn chút vương tơ
Cài sen, ai nỡ hững hờ ngó xanh.
Một chiều con nhện giăng mành
Hoa ngâu cấm ngọn ta thành… người dưng.
Lê Thúy Quỳnh
15. THEO CHA RA ĐỒNG
Đời cha chân đất làm nông
Tuổi thơ thấp thểnh ra đồng cùng cha
Đồng gần cho tới đồng xa
Ruộng phơi nắng cháy, mưa sa luống cày.
Mồ hôi trộn với đất dày
Gió sương loang những bàn tay chai sần
Tay cha rắc đạm, rắc lân
Bốn mùa rắc những tảo tần khát khao.
Ngày xuân khoe giọt nắng đào
Mạ non cha nhổ cấy vào giấc mơ
Bão bùng tháng đợi ngày chờ
Lúa chiêm vàng cả tuổi thơ quê mùa.
Nhìn trời cha đếm tua rua
Giúp cha con cũng khua khua tay mềm
Mỏng manh bờ nhỏ đắp thêm
Đắp vào năm tháng êm đềm tuổi thơ.
Tự bao giờ đến bây giờ
Ruộng nương con cứ thờ ơ chẳng màng
Trai quê lên phố bỏ làng
Bỏ quên năm tháng thênh thang cánh đồng
Mình cha cõng bão gánh giông
"Ai đời lại để ruộng không bao giờ?"
Con ngồi vẽ lại tuổi thơ
Thấy cha tóc bạc lơ phơ đường cày.
Nguyễn Chí Diễn
16. ĐẤT TRỜI CHAO NGHIÊNG
Trong làn nắng hửng tháng Mười
Em sang rất thật tươi cười sáng nay
Gió hình như cũng ngây ngây
Nồng nàn hương sắc men say ái tình
Nghiêng vành nón lá đẹp xinh
Một làn nắng tỏa lung linh rất hiền
Ru anh lạc mấy mươi miền
Bổng trầm thi tứ mộng huyền bướm hoa
Tung bay tà áo thướt tha
Ảo mờ sương khói ngọc ngà trắng trong
Trời ơi là những đường cong
Hình sông dáng núi lượn vòng nước non
Là đây một tấm lòng son
Ngàn năm mơ ước vẫn còn biếc xanh
Em sà vào giữa lòng anh
Đất trời cây cỏ bỗng thành... chao nghiêng!
Đồng Kế
17. QUÊ EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG
Có gì để nhớ để quên
Mà sông ôm đất làm nên Thái Bình
Cồn cào sông chẳng lặng thinh
Sông tràn bờ đất tạc hình chân đê
Đất tròn như chiếc nón mê
Cắn đôi hạt gạo sẻ chia đói nghèo
Chiêm khê mùa úng bọt bèo
Đói no vẫn nhịp trống chèo làm duyên
Có gì sông chị sông em
Dốc lòng mà đắp cồn đen, cồn vành
Qua rồi mấy cuộc chiến tranh
Bao nhiêu vết cắt chưa lành thịt da
Oằn mình sông tải phù sa
Tặng màu cho đất, tặng hoa cho người
Đất cằn vẫn biết sinh sôi
Quặn lòng thai nghén dâng đời mầm xanh
Thái Bình ơi, giọt sữa lành
Dẫu không đá núi vẫn thành non cao.
Phạm Luyến
18. VẪN “TRĂM NĂM CÕI NGƯỜI TA”
Vẫn “ trăm năm cõi người ta!”
Có đâu “phận bạc” chừa ra “má hồng”
Vẫn là bờ bãi bến song
Bên Đoài thì lở, bên Đông thì bồi
Cửa thiền vẫn oản vẫn xôi
Để oan Thị Kính, xót đời Mầu xưa!
Còn không cô Tấm quê mùa?
Để cho Thị Cám lấy Vua làm chồng?
Trách đời còn lắm Lý Thông
Thạch Sanh mới bị cướp công cứu nàng!
Thôi đừng xe cát...dã tràng!
Sóng xô biển động tan hoang bãi bờ!
Xin đành làm kẻ ngu ngơ
Có đâu kẻ đón, người chờ, kẻ mong.
Tiền Đường biết kiếp nào xong?
Đớn đau thân phận, Kiều mong chưa thành!
Đâu rồi sự nghiệp công danh
Đâu rồi được mất, tranh giành hơn thua
Một đời dãi nắng dầm mưa
Trời đem bão tố trêu đùa phận ai?
Trời đâu dung kẻ hiền tài
Chữ “tài” liền với chữ “tai” một vần
Những là “tài tử giai nhân”
Màn the mắc võng che thân bẽ bàng!
Thương sao duyên nghiệp lỡ làng
Vẫn “trăm năm cõi, cung đàn, bể dâu”!
Trời cao sao quá cơ cầu
Bắt khoan, bắt nhặt, bắt sầu, bắt ai!...
Qua rồi, “bĩ cực, thái lai”
Trăm năm sau nữa biết ai khóc... cười???
Nguyễn Ngọc Cẩn
19. QUÊ HƯƠNG
Quê hương chín nhớ, mười thương
Đi xa vào tận Bình Dương vẫn tình.
Quê hương đồng đất sinh mình
Nhà tranh, giếng nước mái đình, cây đa.
Quê hương nạn đói tháng ba
Củ khoai, rau má nuôi ta thành người.
Dù đi khắp bốn phương trời
Quê hương là mẹ trọn đời trong ta.
Nguyễn Quang Huỳnh
20. CÓ AI MUỐN...?
Có ai muốn một vòng tay
Dịu dàng, ấm áp những ngày còn xa?
Có ai muốn một câu ca
Ngọt ngào êm ái như là hát ru?
Có ai muốn ngắm trời thu?
Sớm nay se lạnh sương mù nhẹ giăng
Có ai muốn ngắm vầng trăng?
Dù đêm đã muộn vẫn vằng vặc soi
Tiếc gì không ngỏ một lời…
Có ai muốn sẽ suốt đời cùng nhau?
Đặng Vương Hưng
--------------------------------------------------
Ghi chú: ảnh Jennifer Phạm (ảnh 1, 2, 3 và 4) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet